Cụ thể, tại theo khoản 13 điều 80 Nghị định này: "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe."
Đây là quy định cực kỳ mới và chưa hề được đề cập tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đây. Điều này có nghĩa là trong thời gian các tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự (thế chấp, mua trả góp…) thì chủ phương tiện khi tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe của mình.
Tuy nhiên, tài xế cần chú ý phải mang theo bản gốc của Giấy biên nhận còn hiệu lực của tổ chức tín dụng để tránh bị phạt. Trong trường hợp, tài xế chỉ xuất trình được bản sao giấy tờ xe thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt với lỗi không mang theo Giấy đăng ký xe với mức:
Từ 200.000 - 400.000 đồng đối với ô tô;
Từ 100.000 - 200.000 đồng đối với xe máy.
Các loại giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông
Tại mục 2, điều 5 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông. Trong đó, quy định cụ thể các loại giấy tờ mà tài xế phải mang theo gồm:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo : Baomoi.com